Nếu có nhiều sự lựa chọn tôi vẫn muốn là TESTER

Nếu có nhiều sự lựa chọn tôi vẫn muốn là TESTER

 Tôi cũng biết rằng nếu có nhiều cơ hội lựa chọn, thì không nhiều người nghĩ ngay đến việc: mình sẽ là một Tester- Nhân viên kiểm thử phần mềm. Đặc biệt khi tôi tham gia một số dự án cùng bạn bè trên mạng, với những người nước ngoài, họ không gọi tôi là Tester, mà gọi tôi là QA-người bảo đảm chất lượng dự án. Trong các dự án, số lượng Tester làm PM đếm được trên đầu ngón tay. Và cho đến bây giờ, Tester vẫn là một nghề xa lạ với các sinh viên. Phải chăng test là một nghề “kém cỏi” , ít được lựa chọn đến thế sao?

Nhưng cũng có điều lạ là sau khi đã làm test được một thời gian, thì ít Tester chuyển nghề. Vậy thực sự test là công việc thế nào? Có xứng đáng là một sự lựa chọn đáng để các bạn mới ra trường lưu tâm đến không. Qua CCB, xin giới thiệu một chút cảm nhận về nghề Tester, hi vọng sau bài viết này, các bạn mới vào nghề, các bạn sinh viên sắp ra trường, các bạn đang, đã, sẽ và cả các bạn có thể không bao giờ theo ngành test hiểu thêm về công việc của một Tester.

Tester cũng là một nghề kén người…

Nếu bạn nghĩ rằng ai cũng có thể làm Tester, hay chỉ những ai không làm dev được mới chuyển sang làm Tester là một sai lầm. Không tin, bạn cứ thử làm test một thời gian xem. Test cũng là một công việc đòi hỏi sự cẩn thận, chăm chỉ, tỉ mỉ, kiên nhẫn nhưng cũng cần phải hết sức sáng tạo thì hiệu quả công việc mới cao. Nếu bạn là người chủ quan, hay nghĩ rằng cái trường hợp đó chả bao giờ xảy ra lỗi, test làm gì, hay test case có nhiều trường hợp, nhưng bạn chỉ mau chóng kiểm tra vài cái đại diện, những cái khác tương tự thì có nghĩ là bạn đang để lại nhiều lỗi lắm đấy. Những suy nghĩ đó gần giống với suy nghĩ của nhiều dev. Chính vì thế ta mới phải có đội ngũ Tester riêng. Và cũng giống như tất cả các công việc khác, Test cũng cần phải trau dồi, tích lũy kinh nghiệm càng nhiều càng tốt. Rồi bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi một Tester kinh nghiệm nhìn vào một Requirement, ngẫm nghĩ một lúc là đã có thể tương tượng ra đến 80, 90% lượng test case cần viết. Tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi nhiều Dev, trong khi cần thiết phải chuyển sang làm test, và chất lượng không được như mong muốn. Trái tay mà!

Test hoàn toàn không phải « dễ ăn »

Nếu như Dev chỉ cần hiểu phần mình làm, chỉ cần chức năng mình code chạy cho ngon, thì để làm tốt công việc của mình, Tester phải là người nắm chắc toàn bộ Requirement, phải thuộc làu làu những thay đổi mới nhất của các chức năng. Tóm lại là phải hiểu tất cả những thứ tỉ mà tỉ mẩn như một PM… Ngoài ra, liên quan đến Test cũng có nhiều rất việc, hoàn toàn không đơn giản là ngồi gõ gõ bàn phím ra lỗi. Tester phải tạo khá nhiều tài liệu: Test plan, Test Design, Test Data, Test case, Test Report….Đi kèm theo các tài liệu đó là thời gian review, update. Đồng thời, Test Leader/Tester phải phân bố nguồn lực test cho hợp lí, phải log lỗi và quản lí lỗi trong DMS. Là người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm không hề đơn giản. Bạn luôn phải nghĩ ra các tình huống có thể gây lỗi, phải làm thế nào lỗi bị sót lại là ít nhất. Và là test, nên bạn sẽ là người đầu tiên “bị chém” khi để sót lỗi, bị khách hàng kêu ca. Bạn cũng nên phải học thêm để nắm chắc các qui trình của Tester để phục vụ tốt hơn cho công việc. Đồng thời, hãy nhớ rằng khi bạn là Tester, bạn còn có vai trò “thúc ép” các dev code và fix bug cho kịp tiến độ dự án. Với khối lượng công việc khủng thế, chuyện bạn phải overtime là chuyện thường ngày vậy.

Cũng va vấp khá nhiều tình huống … nhạy cảm

Hãy chuẩn bị tinh thần “khủng hoảng” khi bạn chuẩn bị làm Tester, nhất là những bạn mới “vào nghề”. Hãy xác định rằng mình phải hết sức bình tĩnh trong mọi tình huống. Hãy chuẩn bị cho mình những lập luận chính đáng khi “thằng ku ấy” nhất quyết từ chối lỗi mà mình mày mò cả ngày mới build lại được. Hãy kìm chế vào những ngày release, ngồi đợi “thằng kia” fix bug mãi chưa xong, nó fix bug này thì tòi ra bug khác, làm xong nó chả thèm unit test, vứt uỵch cho mình, lỗi vẫn hoàn lỗi….Hãy nín nhịn, xin lỗi với giọng ngọt ngào và nịnh nọt hết sức có thể (dù là giả dối) và sau đó mau mau “xóa vết tích” khi Test report của bạn bị bác khách hàng khó tính kêu ca. Hãy cố gắng hết sức và chịu khó học hỏi khi test case của bạn bị kêu ca nhiều đến mức viết lại từ đầu còn nhanh hơn update…. Rất nhiều tình huống và những khó khăn khi bạn bước vào con đường của người Tester. Nhưng có gì đáng kể đâu, nghề nào cũng có khó khăn của nó. Vượt qua giai đoạn đầu, bạn sẽ có thêm kinh nghiệm, tay nghề của bạn sẽ lên cao hơn. Con đường lên Tester chuyên nghiệp của bạn không còn xa nữa. Chính vì vậy mà Tester  mới phân chia theo rank mà.

Và cũng nhiều … thú vị

Nếu bạn thuộc tuýp người thích phá bĩnh, trêu chọc người khác, thích mày mò tìm hiểu, thì test đúng là công việc thú vị đấy. Test là tìm lỗi chương trình mà. Bạn sẽ có những giây phút cực kì thú vị khi phát hiện ra những lỗi “kì quặc” đến không ngờ. Là Tester, bạn sẽ là người “rất quan trọng” của dự án, thậm chí là một trong những người quyết định sản phẩm có được release hay không, Làm việc gì cũng thế, với lòng yêu nghề, tích lũy nhiều kinh nghiệm, được sống và làm việc mình yêu thích sẽ là một hạnh phúc bạn ạ. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không nghề nào là không quan trọng. Việc tăng lương hay thăng tiến tất cả đều phụ thuộc vào chính khả năng và sự học hỏi của Tester. Chỉ cần biết nắm bắt cơ hội và làm việc hết mình…

Con đường thăng tiến của các Tester luôn… rộng mở

Để đánh giá mức độ chuyên nghiệp, hiện nay Tester đã được phân rank với các tiêu chuẩn rõ ràng (tài liệu có trên QMS). Một Tester rank 3 cần ít nhất hai năm lành nghề, có kĩ năng về quản lí, về kĩ thuật, có đóng góp cho các phong trào Training Test  … Chỉ cần Tester chịu khó trau dồi kinh nghiệm, ham học hỏi là có thể đạt được. Việc Tester phấn đấu lên Level 3 cũng không phải là khó khăn. Nếu bạn thấy năng lực của mình xứng đáng, hãy nói chuyện với sếp để trình bày ý kiến của mình, chắc chắn sếp sẽ xem xét đề nghị của bạn.

Ngoài ra, do đặc thù của nghề Test cần có kiến thức bao quát toàn bộ dự án, nên một Tester cũng có nhiều cơ hội để trở thành PM, DL thậm chí GL. Trên thực tế, đã có nhiều anh chị Tester đầu đàn đã đạt được những vị trí quan trọng trong công ty.

Nghề nào cũng thế, tất cả đều phụ thuộc vào sự phấn đấu của chính các bạn.

Cơ hội phát triển ngành Test thành chuyên nghiệp?

Tuy được đánh giá đúng về tầm quan trọng của ngành Test, nhưng việc chuyên nghiệp hóa ngành Test vẫn còn là một chặng đường dài. Việc “quảng bá thương hiệu” về nghành Test một cách rộng rãi vẫn chưa làm được. Nói là công việc lập trình thì ai cũng biết, nhưng nếu nói mình là kiểm thử thì ngoài ngành tin ra, ít người hiểu đó là việc gì. Kể cả các bạn sinh viên sắp ra trường cũng hiểu rất ít về ngành Test. Hiệp hội FATA hàng năm vẫn tổ chức ôn luyện, thi thử, thi thật cho Tester để lấy chứng chỉ Test (CSTE, ISEB). Nhưng số lượng Tester có chứng chỉ chưa nhiều. Ngoài ra vẫn chưa có hoạt động nào đáng kể để nâng cao chất lượng test cũng như lập một đội ngũ Tester chuyên nghiệp tay nghề cao. Tất cả mới phụ thuộc vào kinh nghiệm mà Tester có được sau khi bôn ba từ dự án này sang dự án khác. Tester vẫn bị đánh giá là kĩ năng về Công nghệ chưa cao, chưa thật sự độc lập. Độc lập ở đây có nghĩa là bạn phải thay mặt PM để đưa ra tình huống, những chức năng cần thiết mà dự án phải làm, hoặc việc bạn quyết định xem những chức năng dự án đang làm có cái nào thừa/ thiếu không. Thậm chí, Tester còn phải đưa ra được những chức năng hợp lí, dù requirement của khách hàng còn sơ sài… Rất nhiều, rất nhiều việc mà chính các Tester phải làm để nâng ngành nghề của mình lên một tầng cao mới. Điều đó cần sự giúp đỡ thêm của tất cả mọi người, cũng như sự cố gắng của các Tester. Hi vọng một ngày nào đó, Tester Việt sẽ được “toàn cầu hóa” như một đội ngũ chuyên nghiệp nhất.